Tiêm chủng chống dịch là việc đưa vắc xin vào cơ thể con người với mục đích tạo cho cơ thể khả năng đáp ứng miễn dịch để dự phòng bệnh tật. Việc tiêm phòng vaccine là rất cần thiết để tiến tới miễn dịch cộng đồng và đưa xã hội trở lại trạng thái bình thường. Việc có những phản ứng tiêu cực, thậm chí là tử vong sau khi tiêm vaccine là rất hy hữu tuy nhiên vẫn có thể xảy ra.

Theo Điều 15 Nghị định 104/2016/NĐ-CP ngày 1-7-2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng thì khi sử dụng vaccine xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng chống dịch nếu xảy ra tai biến nặng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe hoặc gây thiệt hại đến tính mạng của người được tiêm chủng, Nhà nước có trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại.

Các trường hợp được Nhà nước bồi thường bao gồm: Người được tiêm chủng bị tai biến nặng để lại di chứng dẫn đến bị khuyết tật; người được tiêm chủng bị tử vong. Theo Điều 16 Nghị định 104/2016/NĐ-CP thì các thiệt hại, phạm vi và mức bồi thường như sau:

  1. Thiệt hại do để lại di chứng dẫn đến bị khuyết tật được bồi thường 30 tháng lương cơ sở và các chi phí quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều này.
  2. Thiệt hại đến tính mạng được hỗ trợ như sau: a) Các chi phí quy định tại khoản 3 Điều này trước khi tử vong; b) Chi phí mai táng phí bằng 10 tháng lương cơ sở do Nhà nước quy định; c) Chi bù đắp tổn thất về tinh thần là 100.000.000 đồng cho thân nhân của người bị thiệt hại; d) Các chi phí do thu nhập bị mất hoặc giảm sút theo quy định tại khoản 4 Điều này.
  3. Chi phí do phải khám bệnh, chữa bệnh tại các cơsởy tế: a) Trường hợp người được tiêm chủng được Nhà nước bồi thường có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế thì việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng thực hiện theo quy định pháp luật về BHYT. Phần chi phí mà đối tượng có thẻ BHYT phải đồng chi trả và các dịch vụ khám, chữa bệnh có chi phí vượt mức thanh toán hoặc ngoài phạm vi thanh toán của BHYT thì được thanh toán theo hóa đơn (không quá khung giá dịch vụ đăng ký với Bộ Y tế);
  4. b) Trường hợp không có thẻ BHYT đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế thì việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng, vận chuyển bệnh nhân thực hiện theo quy định hiện hành về giá dịch vụ khám, chữa bệnh đối với cơ sở y tế công lập và có hóa đơn kèm theo;
  5. c) Trường hợp phải nhập viện, quá trình điều trị nếu phát hiện bệnh khác kèm theo không liên quan đến tiêm chủng thì cá nhân phải thanh toán chi phí khám, điều trị bệnh đó. Nếu người này có thẻ BHYT thì việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh của bệnh đó thực hiện theo quy định pháp luật về BHYT.

Ngoài ra, còn được bồi thường thiệt hại do thu nhập bị mất hoặc bị giảm sút cho 1 người phải nghỉ việc không hưởng lương để chăm sóc cho trường hợp được Nhà nước bồi thường được hỗ trợ thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút trong thời gian cứu chữa.

=================================

Hà Nội, ngày 06 tháng 08 năm 2021

Luật sư Phạm Kỳ Dương

 

By admin

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *