Theo quy định của pháp luật, quyền kháng cáo là quyền cơ bản của đương sự. Để tạo điều kiện cho đương sự có thể thực hiện quyền kháng cáo, Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015 đã quy định về thời hạn kháng cáo; khi hết thời hạn kháng cáo thì người có quyền kháng cáo sẽ mất quyền kháng cáo, trừ trường hợp kháng cáo quá hạn được Tòa án chấp nhận. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về cách tính thời điểm kháng cáo.

Thời hạn kháng cáo được quy định tại Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, cụ thể:

“1. Thời hạn kháng cáo đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm là 15 ngày, kể từ ngày tuyên án; đối với đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện không có mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.

Đối với trường hợp đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện đã tham gia phiên tòa nhưng vắng mặt khi Tòa án tuyên án mà không có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày tuyên án.

  1. Thời hạn kháng cáo đối với quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm là 07 ngày, kể từ ngày đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện nhận được quyết định hoặc kể từ ngày quyết định được niêm yết theo quy định của Bộ luật này.
  2. Trường hợp đơn kháng cáo được gửi qua dịch vụ bưu chính thì ngày kháng cáo được xác định căn cứ vào ngày tổ chức dịch vụ bưu chính nơi gửi đóng dấu ở phong bì. Trường hợp người kháng cáo đang bị tạm giam thì ngày kháng cáo là ngày đơn kháng cáo được giám thị trại giam xác nhận.”

Theo Nghị quyết số 06/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định, trong Phần thứ ba “Thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp phúc thẩm” của BLTTDS năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS  ngày 29/3/2011, tại Điều 4 của Nghị quyết hướng dẫn cụ thể thời điểm bắt đầu và thời điểm kết thúc thời hạn kháng cáo như sau:

  1. Thời điểm bắt đầu tính thời hạn kháng cáo bản án sơ thẩm là ngày tiếp theo của ngày được xác định. Ngày được xác định là ngày Toà án tuyên án đối với đương sự có mặt tại phiên toà sơ thẩm hoặc là ngày bản án sơ thẩm được giao hoặc được niêm yết đối với đương sự không có mặt tại phiên toà sơ thẩm.

Ví dụ: Ngày 01/10/2013, Toà án xét xử sơ thẩm vụ án dân sự và cùng ngày 01/10/2013 Toà án tuyên án, thì ngày được xác định và thời điểm bắt đầu tính thời hạn kháng cáo, kháng nghị như sau:

– Đối với đương sự có mặt tại phiên toà sơ thẩm, thì ngày được xác định là ngày 01/10/2013 và thời điểm bắt đầu tính thời hạn kháng cáo mười lăm ngày là ngày 02/10/2013.

– Đối với đương sự không có mặt tại phiên toà sơ thẩm và giả sử ngày 15/10/2013 Toà án cấp sơ thẩm mới giao bản án sơ thẩm cho đương sự, thì ngày được xác định là ngày 15/10/2013 và thời điểm bắt đầu tính thời hạn kháng cáo (mười lăm ngày) là ngày 16/10/2013; nếu Toà án cấp sơ thẩm không thể giao trực tiếp bản án sơ thẩm cho đương sự mà phải niêm yết công khai và giả sử ngày niêm yết công khai tại trụ sở Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của đương sự là ngày 15/10/2013, thì ngày được xác định là ngày 15/10/2013 và thời điểm bắt đầu tính thời hạn kháng cáo (mười lăm ngày) là ngày 16/10/2013.

  1. Thời điểm kết thúc thời hạn kháng cáo: Khoản 4 Điều 4 Nghị quyết số 06/2012 quy định “Thời điểm kết thúc thời hạn kháng cáo là thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hạn. Nếu ngày cuối cùng của thời hạn là ngày nghỉ cuối tuần (thứ bảy, chủ nhật) hoặc ngày nghỉ lễ, thì thời hạn kháng cáo kết thúc vào lúc hai mươi tư giờ của ngày làm việc đầu tiên tiếp theo ngày nghỉ đó.”

Ví dụ: Thời hạn kháng cáo là mười lăm ngày, được tính bắt đầu từ ngày 02/10/2013.

Theo quy định về thời hạn kháng cáo thì thời hạn kháng cáo mười lăm ngày (đối với đương sự có mặt tại phiên toà) kết thúc vào lúc 24 giờ ngày 16/10/2013 (nếu không đúng vào ngày nghỉ cuối tuần, ngày nghỉ lễ). Giả sử, ngày 16/10/2013 là ngày nghỉ lễ, thì thời hạn kháng cáo mười lăm ngày kết thúc vào lúc 24 giờ ngày 17/10/2013 (nếu không đúng vào ngày nghỉ cuối tuần); giả sử sau ngày nghỉ lễ (17/10/2013), ngày 18/10/2013 đúng vào ngày thứ bảy, thì thời hạn kháng cáo mười lăm ngày kết thúc vào lúc 24 giờ ngày 20/10/2013.

Trường hợp Tòa án phải tiến hành ủy thác tư pháp để tống đạt bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm cho đương sự đang cư trú ở nước ngoài thì thời điểm bắt đầu tính thời hạn kháng cáo là ngày nhận được ủy thác tư pháp, ngày nhận được ủy thác tư pháp được xác định theo quy định của pháp luật về ủy thác tư pháp.

Căn cứ vào hướng dẫn và kèm theo ví dụ nêu trên, cho thấy thời hạn kháng cáo bắt đầu và kết thúc được hiểu như sau:

– Trường hợp đương sự có mặt tại phiên tòa: Thời hạn kháng cáo bắt đầu từ ngày tiếp theo sau của ngày tuyên án.

– Trường hợp đương sự vắng mặt tại phiên tòa: Thời hạn kháng cáo bắt đầu từ ngày tiếp theo sau của ngày bản án sơ thẩm được giao hoặc được niêm yết.

– Trường hợp ngày cuối cùng của thời hạn là ngày nghỉ cuối tuần (thứ bảy, chủ nhật) hoặc ngày nghỉ lễ, thì thời hạn kháng cáo kết thúc vào lúc 24 giờ của ngày làm việc đầu tiên tiếp theo ngày nghỉ đó.

Từ thực tiễn công tác kiểm sát xét xử vụ án dân sự tại TAND thành phố Hà Nội, tác giả nêu vấn đề hiện còn có cách hiểu và áp dụng không thống nhất giữa những người tiến hành tố tụng về thời điểm kháng cáo theo quy định tại khoản 1 Điều 273 BLTTDS năm 2015 qua một vụ án cụ thể:

Ngày 18/6/2020, TAND quận TH, thành phố Hà Nội thụ lý vụ án dân sự sơ thẩm “Tranh chấp quyền sử dụng đất” theo đơn khởi kiện của ông Nguyễn Trịnh H yêu cầu bà Đinh Nguyệt A trả lại ông quyền sử dụng 36m2 đất do bà A lấn chiếm của ông tại thửa đất số 24 tờ bản đồ số 41, địa chỉ số 23 ngách 1/42 Âu Cơ, phường Quảng An, quận TH, thành phố Hà Nội.

Ngày 15/9/2021, Tòa án nhân dân quận TH mở phiên tòa sơ thẩm (lần 3). Tại phiên tòa sơ thẩm, bà A và đại diện ủy quyền của bà A là ông Phan Khắc N vắng mặt không có lý do. Bản án dân sự sơ thẩm số 24/2022/DS-ST của Tòa án nhân dân quận TH tuyên xử: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Trịnh H đối với bà Đinh Nguyệt A…

Ngoài ra bản án còn tuyên về án phí, quyền kháng cáo, quyền thi hành án của các đương sự.

Ngày 07/11/2022, Tòa án tống đạt bản án cho bà A nhưng do bà A không có nhà nên Tòa án đã lập biên bản có xác nhận của Tổ trưởng Tổ dân phố về việc không tống đạt được bản án và tiến hành niêm yết bản án số 24/2022/DS-ST ngày 15/9/2022 tại UBND phường Quảng An, quận TH; nơi cư trú của bà A tại số 23, ngách 1/42 Âu Cơ (nay là số 23 ngõ 68 phố Từ Hoa), phường Quảng An, quận TH theo đúng qui định tại khoản 5 Điều 177 và Điều 179 BLTTDS năm 2015.

Ngày 10/11/2022, Tòa án gửi qua đường bưu điện bản án cho ông Phan Khắc N – là đại diện theo ủy quyền của bà A tại địa chỉ P102 nhà X3 tập thể Trương Định, ngõ 35 Nguyễn An Ninh (tuy nhiên, văn bản không có chữ kí người nhận). Tòa án cũng gửi bản án cho ông N qua đường bưu điện tại địa chỉ 78 Đốc Ngữ, Ba Đình, Hà Nội (văn phòng làm việc của ông N) có chữ kí người nhận, văn bản có đóng dấu ngày 10/11/2022.

Theo bản tường trình về việc kháng cáo quá hạn, ông N (đại diện cho bà A) trình bày: Ngày 16/11/2022, ông nhận được bản án, ông đã thông báo cho bà A nhưng bà A đi công tác. Do đó, ông không chuyển bản án cho bà A được, đến ngày 29/11/2022 ông mới chuyển được bản án cho bà A qua Zalo.

Ngày 30/11/2022, bà Đinh Nguyệt A nộp đơn kháng cáo với nội dung: Đề nghị Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xem xét lại toàn bộ Bản án dân sự sơ thẩm số 24/2022/DSST ngày 15/9/2022 của Tòa án nhân dân quận TH, thành phố Hà Nội. Đơn kháng cáo của bà A quá 15 ngày kể từ ngày thực hiện thủ tục niêm yết.

Ngày 17/01/2022, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã thụ lý vụ án số 26/TLPT-DS. Ngày 06/2/2023, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã ra quyết định số 26/2022/DS-PT để mở phiên họp xét kháng cáo quá hạn.

Việc kháng cáo quá hạn của bà A như trên có hai quan điểm giải quyết khác nhau:

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Không chấp nhận đơn kháng cáo của bà Đinh Nguyệt A với lý do: Bà A gửi đơn kháng cáo là quá thời hạn kháng cáo theo qui định của pháp luật. Do đó đơn kháng cáo không hợp lệ.

Quan điểm thứ hai cho rằng: Đơn kháng cáo của bà Đinh Nguyệt A không coi là quá hạn quy định tại Điều 273 BLTTDS năm 2015, vì:

– Thời điểm Tòa án nhân dân quận TH thực hiện thủ tục niêm yết Bản án dân sự sơ thẩm số 24/2022/DS-ST ngày 15/9/2022 đối với bà Đinh Nguyệt A. Theo quy định của pháp luật về thời hạn niêm yết văn bản tố tụng là 15 ngày, tức là hết thời hạn này mới bắt đầu tính thời hạn tố tụng (kháng cáo) đối với bà Đinh Nguyệt A.

– Thời hạn niêm yết 15 ngày tính từ ngày 07/11/2022 nên thời điểm kết thúc niêm yết là ngày 22/11/2022. Thời điểm tính thời hạn kháng cáo đối với bà Đinh Nguyệt A từ ngày 23/11/2022.

Như vậy, ngày 30/11/2022, bà Đinh Nguyệt A kháng cáo là hợp lệ về thời gian trong hạn 15 ngày theo quy định của pháp luật. Cần chấp nhận thủ tục nộp đơn kháng cáo của bà Đinh Nguyệt A.

Qua nghiên cứu các quy định tại Điều 273 BLTTDS năm 2015 và Điều 4 của Nghị quyết số 06/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn về thời điểm bắt đầu tính thời hạn kháng cáo, tác giả đồng ý với quan điểm thứ nhất, bởi lẽ:

– Thời hạn kháng cáo của bà A là 15 ngày kể từ ngày Tòa án niêm yết bản án sơ thẩm, tức là từ ngày 07/11/2022 đến hết ngày 22/11/2022. Ngày 30/11/2022, bà A mới gửi đơn kháng cáo là quá thời hạn kháng cáo theo qui định của pháp luật.

– Bà A không cung cấp được tài liệu, chứng cứ để chứng minh bà A có lý do bất khả kháng hay gặp trở ngại khách quan dẫn đến việc không thể đi nộp đơn kháng cáo trong thời hạn quy định nên không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo quá hạn của bà A.

Đồng thời, để phù hợp với tình hình thực tế và áp dụng thống nhất với quy định tại Điều 273 BLTTDS năm 2015; tác giả cho rằng, liên ngành Tòa án – Viện kiểm sát cần ban hành văn bản hướng dẫn đầy đủ, cụ thể và rõ ràng hơn, thống nhất áp dụng pháp luật về thời điểm bắt đầu tính thời điểm kháng cáo theo quy định tại Điều 273 BLTTDS năm 2015.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *