Đây là một vụ án khá hy hữu, bởi những người thực hiện hành vi phạm tội trong vụ án này đều là những người có kiến thức pháp luật, tuy nhiên có thể do quá tự tin nên họ đã không lường trước được những rủi ro pháp lý có thể xảy ra đối với mình. Nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

 

Căn nhà 29 Nguyễn Bình Khiêm (quận 1) do bà Hoàng Trọng Anh Chi đứng tên chủ sở hữu. Bà Chi ký hợp đồng nhận cọc với bà Thảo, bàn giao căn nhà đang xây dựng dở cho bà Thảo thi công nốt. Trong quá trình thi công, phía bà Thảo đã có những vi phạm và bị xử phạt. Tháng 9-2018, bà Thảo tiếp tục thuê đơn vị thi công đến hoàn thiện căn nhà và đến tháng 3-2019, bà Thảo cùng các con chuyển đến đây sống. Việc mua bán giữa 2 bên không tiếp tục thực hiện được do xảy ra tranh chấp, việc khởi kiện về tiền cọc đã được TAND quận 1 thụ lý. Khoảng 14h ngày 19-9-2019, ông Nguyễn Hải Nam (Cựu phó chánh án quận 4 bạn của Tùng) và ông Lâm Hoàng Tùng (Giảng viên trường Kiểm sát là em họ Bà Chi – Bên bán) cùng một số người xông vào nhà 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm đuổi người ra khỏi nhà và chiếm giữ căn nhà trên. Sau đó, bà Thảo (Bên mua) đã gửi đơn đến cơ quan chức năng tố cáo sự việc. Tối 1-10-2019, Công an quận 1 đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Hải Nam và Lâm Hoàng Tùng. Tòa án nhân dân Tp.HCM đã xét xử sơ thẩm tuyên Ông Nam 15 tháng tù giam, Ông Tùng 24 tháng tù giam, Tòa án nhân dân cấp cao tại Tp.HCM đã xét xử phúc thẩm vụ án, bác kháng cáo của các bị cáo và y án sơ thẩm.”

 

Trong vụ án này, có thể nhận thấy rằng bà Chi và bà Thảo đã ký hợp đồng đặt cọc mua bán nhà tức là giữa hai bên đã có sự thoả thuận về ý chí khi ký hợp đồng và bà Chi đã bàn giao nhà cho bà Thảo để sửa chữa, vậy nên việc bà Thảo và người nhà cư trú trong ngôi nhà trên là hợp pháp. Vì vậy, việc ông Nguyễn Hải Nam và ông Lâm Hoàng Tùng  cùng một số người xông vào nhà 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm đuổi người ra khỏi nhà và chiếm giữ căn nhà trên là bất hợp pháp. Ở đây cần phân biệt giữa quyền sở hữu nhà hợp pháp và chỗ ở hợp pháp, do ở đây mới là hợp đồng đặt cọc nên bà Chi vẫn có quyền sở hữu nhà, tuy nhiên bà Chi đã bàn giao nhà cho bà Thảo nên đây là chỗ ở hợp pháp của bà Thảo và không ai có quyền xâm phạm chỗ ở của bà Thảo nếu chưa có bản án có hiệu lực pháp luật.

 

Kết luận: Trên thực tế việc giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất và nhà là những giao dịch phổ biến trong quan hệ dân sự, tuy nhiên khi tiến hành giao dịch các bên cần tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành và cân nhắc phòng ngừa những rủi ro pháp lý có thể xảy ra. Cụ thể trong vụ án nói trên, việc bên bán bàn giao nhà cho bên mua khi mà hai bên mới chỉ ký hợp đồng đặt cọc là đã tự đưa mình vào những rủi ro dẫn đến việc tranh chấp không đáng có. Điều này là có thể lường trước được và nếu đã không may xảy ra tranh chấp thì các bên cần lựa chọ phương pháp giải quyết đúng theo các quy định của pháp luật, không nên hành xử một cách tuỳ tiện bởi điều này sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường, gây nguy hại đến sinh mạng chính trị của bản thân. Trong cuộc sống sẽ có lúc chúng ta phải đối mặt với những vướng mắc pháp lý và việc đánh giá, lựa chọn giải pháp tối ưu để đạt được mục tiêu và hạn chế phòng ngừa rủi ro là điều vô cùng cần thiết…

====================================

Hà Nội, ngày 10 tháng 11 năm 2021

Luật sư Phạm Kỳ Dương

Website: http://luatsuhinhsuhanoi.com.vn/

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *