Gần đây, nhiều group anti nghệ sĩ đang trở thành trào lưu trên mạng xã hội. Làm người nổi tiếng như “làm dâu trăm họ”, lắm người yêu thì cũng nhiều kẻ ghét…
Mọi lý do để anti…Ca sĩ Thủy Tiên, Hoa hậu chuyển giới Hương Giang hay mới nhất là diễn viên Lâm Vỹ Dạ là những nghệ sĩ không may bị lập group anti.

Từ vụ việc của Hương Giang, một nhóm tẩy chay cô được thành lập với tên gọi “Anti nữ hoàng đạo lý” nhanh chóng cán mốc 150.000 thành viên chỉ sau vài ngày. Các bài đăng trái chiều trên group vẫn đang được chia sẻ thường xuyên, thậm chí antifan còn gây áp lực với nhà sản xuất của các chương trình có cô tham gia để buộc phải cắt sóng, hay liên tục gửi tin nhắn cho các nhãn hàng tuyên bố tẩy chay nếu không kết thúc làm việc với Hương Giang.

Sự kiện - Cuộc chiến Antifan và nghệ sĩ Việt: Trào lưu hay hùa theo “dìm hàng”?

Một trong số nhóm tẩy chay Hương Giang đang hoạt động sôi nổi.

Trước đó, ca sĩ Thủy Tiên cũng là đối tượng bị  antifan công kích trên mạng xã hội. Từ việc được tung hô là “Cô Tiên 2020” qua các công tác xã hội, thiện nguyện, cô cũng dính vào lùm xùm với anti fan khi họ lập một nhóm mang tên “Group Anti Lũ Hậu”, có đến hơn 10.000 thành viên hoạt động ồn ào.

Hay mới đây nhất, Lâm Vỹ Dạ cũng được liệt vào danh sách anti với một nhóm trên mạng xã hội có tên “Hội những người không thích chị Dậm”. Nhóm anti này được lập ra chỉ vì… cô chăm chỉ xuất hiện trên truyền hình. Nhiều người cho rằng cô chiếm sóng quá nhiều và đôi khi còn làm lố, lấn lướt các nghệ sĩ khác.

Cứ không hài lòng với một nghệ sĩ nào trong Vbiz, antifan lại đưa ra mọi lý do có khi quá đỗi khiên cưỡng để hùa theo thỏa sức miệt thị, chửi mắng, thậm chí gây sức ép tẩy chay với những nhãn hàng, thương hiệu mà người nghệ sĩ đó đại diện. Có thể thấy rằng chưa bao giờ từ anti fan lại có “quyền lực” như thời điểm hiện tại.

Xử lý như thế nào hành vi vi phạm pháp luật của antifan?

Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, luật sư Phạm Kỳ Dương (Văn phòng uật sư Giang Thanh) cho rằng nếu antifan có dấu hiệu bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm nghệ sĩ thì có thể bị xem xét xử lý.

“Trong xã hội, việc yêu hay ghét một người nổi tiếng hay một nghệ sĩ nào đó là quyền cá nhân của mỗi người. Tuy nhiên, việc lập group để miệt thị và nói xấu, thậm chí bịa ra những câu chuyện không đúng sự thật, tấn công các nhãn hàng thương hiệu liên quan đến nghệ sĩ là việc làm vi phạm pháp luật”, luật sư Dương cho biết.

Luật sư Phạm Kỳ Dương – Văn phòng luật sư Giang Thanh.

Trong trường hợp hành vi này đã xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân và tổ chức, về nguyên tắc khi xác định được người nào lập group trên mạng với mục đích bịa đặt bôi nhọ, hạ thấp uy tín người khác thì người đó có quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường theo Điều 592 Bộ Luật dân sự 2015.

Trường hợp, việc lập group với mục đích đưa các thông tin bịa đặt, sai sự thật nhằm bôi nhọ uy tín danh dự người khác nếu gây hậu quả nghiêm trọng sẽ cấu thành tội “Vu khống” với khung hình phạt cao nhất lên tới 7 năm tù.

Cụ thể, theo luật sư Dương, antifan có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, hoặc phạt từ từ 3 tháng đến 1 năm nếu bịa đặt hoặc lan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích của nghệ sĩ. Với hành vi vu khống gây rối loạn tâm thần nghiêm trọng thì có thể phạt tù từ 1 năm đến 7 năm tùy vào mức độ tỷ lệ tổn thương cơ thể.

By admin

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *