Bị cáo đề nghị điều tra lại
Vừa qua, TAND cấp cao tại Hà Nội mở phiên phúc thẩm xét xử vụ án “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”. Phiên tòa được mở theo kháng cáo của bị cáo Nguyễn Văn Mưu (SN 1991, trú tại xã Đọ Trù, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) xin giảm án và hưởng án treo.
Bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm. |
Bi cáo Nguyễn Văn Mưu bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”.
Nạn nhân trong vụ án là anh Nguyễn Thành Thao (SN 1986, Vĩnh Phúc) đã tử vong và anh Tô Đức Duy (SN 1991, ở Vĩnh Phúc) bị thương tật 78% sức khỏe.
Trước đó, khoảng 15h, chiều 21/10/2015, tại đường tỉnh lộ 320 thuộc địa phận thôn Tây Sơn (xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) Nguyễn Văn Mưu điều khiển xe ô tô tải BKS 88H – 83xx đi theo hướng từ xã Đạo Trù đến xã Bồ Lý. Do không làm chủ được tốc độ và xe ô tô đang đi lấn sang phần đường của xe đi ngược nên xảy ra va chạm, gây tai nạn với mô tô BKS 29S1 – 167.xx do anh Tô Đức Duy điều khiển chở anh Nguyễn Thành Thao.
Theo bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Vĩnh Phúc ngày 27/5/2016, hành vi trên của bị cáo Mưu phạm tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”. Tòa sơ thẩm tuyên án bị cáo 1 năm 6 tháng tù giam theo quy định tại điềm đ, khoản 2, Điều 202 của BLHS. Cấm hành nghề lái xe từ 2 – 3 năm với bị cáo theo quy định tại điều 36 và khoản 5, điều 202 của BLHS.
Về trách nhiệm dân sự, do các bên đã thỏa thuận với nhau, bị hại không có yêu cầu nên HĐXX không đặt ra để giải quyết.
Tại phiên tòa phúc thẩm, HĐXX nhận định, hành vi phạm tội của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, làm quần chúng nhân dân bất an khi tham gia giao thông. Trước đó, bị cáo từng bị phạt hành chính vì vi phạm giao thông nên cần phải xét xử nghiêm.
Trong phiên tòa, bị cáo khai rằng vụ tai nạn xảy ra tại điểm cua, đồng thời một mực phủ nhận việc đi lấn sang lề đường của xe ngược chiều.
Bị cáo trần tình: “Chỉ vì muốn chăm chỉ lao động để kiếm thêm thu nhập cho gia đình nhưng không may để xảy ra sự việc đau lòng. Biết đến khúc cua khó đi nên bị cáo đã giảm tốc độ để đảm bảo an toàn. Sự việc xảy ra bị cáo cũng có phần lỗi nhưng sau đó đã kịp thời nhờ gia đình đến hỏi thăm, bồi thường một phần thiệt hại cho gia đình nạn nhân”.
HĐXX phúc thẩm nhận thấy, bị cáo trước đó có nhân thân tốt, gia cảnh khó khăn, nuôi hai con nhỏ. Vụ việc có phần lỗi từ bị hại là sử dụng rượu bia với nồng độ cồn vượt mức cho phép, điều khiển xe vượt quá tốc độ nhưng bị cáo cũng có phần lỗi là lái xe đi lấn sang phần đường ngược chiều.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo liên tục nhắc tới người vợ trẻ, con nhỏ đang trông mong ở nhà, cũng vì gia đình có hoàn cảnh éo le mà phải liều mình vay mượn, mua chiếc ô tô tải để mưu sinh nuôi mẹ già, con nhỏ. Bị cáo cũng cho rằng, bản thân nhận thức được sắp đến khúc cua nên chỉ lái với tốc độ 26 – 28km/h và đã đi đúng lề đường.
Trong phiên tòa phúc thẩm ban đầu bị cáo đề nghị được xem xét giảm án, hưởng án treo nhưng sau đó, bị cáo đề nghị được hủy án sơ thẩm để điều tra lại.
Sau giờ hội ý, HĐXX phúc thẩm quyết định tạm hoãn phiên tòa và tiếp tục mở tiếp vào sáng 12/1/2018.
Bản án sơ thẩm vi phạm tố tụng?
Trao đổi với phóng viên, luật sư Phạm Kỳ Dương (Đoàn Luật Sư Hà Nội – người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn Mưu trong vụ án) nêu quan điểm: “Bản án sơ thẩm ngày 27/05/2016 của TAND tỉnh Vĩnh Phúc vi phạm thủ tục tố tụng, thiếu khách quan trong việc xem xét chứng cứ, hành vi phạm tội của bị cáo. Tôi kính đề nghị quý tòa cân nhắc xem xét các nội dung sau để đánh giá khách quan các tình tiết vụ án nhằm ra quyết định đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật”.
Luật sư Phạm Kỳ Dương. |
Theo luật sư Dương, tại phiên xét xử sở thẩm, VKSND cấp sơ thẩm không giải thích được hiện trường vụ án. Vị trí va chạm đầu tiên trên hiện trường, cơ chế hình thành mẫu vật tại hiện trường.
Việc không xác định vị trí va chạm trên hiện trường khiến cho việc kết luận bị cáo Nguyễn Văn Mưu đang đi lấn phần đường theo quy định tại Luật giao thông đường bộ năm 2008 là thiếu cơ sở pháp lý. Cáo trạng khẳng định bị cáo đi sai làn đường là không có cơ sở, bởi tại đoạn đường xảy ra va chạm không có sơn kẻ phân làn đường.
Bị cáo không sử dụng rượu bia khi lái xe, tại khúc cua hiện trường vụ việc bị cáo đi đúng tốc độ cho phép.
Tại bút lục 68, bị cáo khai khi nhìn thấy xe của bị hại nên đã giảm tốc độ, lái xe về phía tay phải theo chiều xe của mình. Tuy nhiên, bị hại đi nhanh, va chạm vào phần sau xe bị cáo, khiến bị cáo bị động trong việc né tránh.
Bản cáo trạng của VKSND tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng bị cáo không sử dụng còi và tín hiệu khác khi vào khúc đường cua. Với trường hợp này, luật sư Dương cho rằng hiện nay không có quy định pháp luật nào bắt buộc bị cáo phải sử dụng còi hoặc tín hiệu khác khi đi vào khúc đường cua, trong bản cáo trạng nêu trên VKSND tỉnh Vĩnh Phúc cũng không trính dẫn được quy định pháp luật để chứng minh lỗi vi phạm trên. Bởi vậy, yêu cầu bị cáo phải sử dụng còi và tín hiệu khác khi đi vào đoạn đường khúc cua là không có căn cứ pháp lý.
Sau khi có kết luận giám định tử thi của người bị hại Thao, phát hiện thấy bị hại có nồng độ cồn 219,9mg/100ml máu nhưng Cơ quan điều tra không giám định nồng độ cồn của bị hại Tô Đức Duy. Việc này vi phạm về thủ tục tố tụng khiến vụ án được đánh giá thiếu cơ sở để xác định nguyên nhân trực tiếp xảy ra tai nạn.
Bị cáo Nguyễn Văn Mưu là lao động chính, hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn, nếu Bị cáo bị tuyên có tội và phải cải tạo giam giữ thì hai đứa con dưới 6 tuổi của bị cáo có thể không có điều kiện được chăm sóc, sẽ khó được đi học tiếp, khó khăn chồng chất.
Từ những lý lẽ nêu trên, luật sư kính đề nghị Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội áp dụng Điều 248, Điều 250 BLTTHS năm 2003 tại phiên xét xử phúc thẩm quyết định Hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại./.