- Đặc điểm pháp lý của hợp đồng thương mại
Hợp đồng thương mại có các đặc điểm pháp lý cơ bản sau: Lĩnh vực phát sinh quan hệ hợp đồng là lĩnh vực thương mại, bao gồm các lĩnh vực thương mại hàng hoá và thương mại dịch vụ; một bên chủ thể của hợp đồng phải là thương nhân. Trong nhiều quan hệ hợp đồng thương mại cả hai bên đều phải là thương nhân như hợp đồng đại diện cho thương nhân, hợp đồng đại lí mua bán hàng hoá; mục đích của thương nhân khi tham gia quan hệ hợp đồng là nhằm phục vụ cho hoạt động kinh doanh của mình; hình thức của hợp đồng có thể bằng lời nói, hành vi hay văn bản. Đối với hợp đồng mà pháp luật quy định phải được lập thành văn bản thì phải tuân theo quy định đó. Fax, telex, thư điện tử và các hình thức thông tin điện tử khác cũng được coi là hình thức văn bản.
Hợp đồng thương mại là những hợp đồng riêng trong lĩnh vực thương mại: Khi thoả mãn các điều kiện về chủ thể, mục đích và hình thức hợp đồng thì hợp đồng thương mại mang tính chất của một hợp đồng kinh tế.
Ví dụ: Các hợp đồng trong hoạt động thương mại được xác lập bằng văn bản giữa các thương nhân, trong đó, ít nhất một bên là pháp nhân để phục vụ cho hoạt động kinh doanh của mình. Nếu không thoả mãn các điều kiện đó, hợp đồng thương mại chỉ mang tính chất của một hợp đồng dân sự.
- Quy định chung về hợp đồng trong lĩnh vực thương mại
Hợp đồng là hình thức pháp lý thích hợp nhất thể hiện bản chất của các quan hệ tài sản. Quan hệ kinh tế và quan hệ dân sự có chung hình thức pháp lý là hợp đồng. Hợp đồng dù thể hiện dưới hình thức nào, bởi ngôn ngữ nào cũng phản ánh bản chất là sự thỏa thuận, sự thống nhất ý chí của các bên nhằm làm phát sinh, thay đổi và chấm dứt các quyền và nghĩa vụ pháp lý.
Ở Việt Nam, trong mỗi thời kì lịch sử khác nhau, hợp đồng trong lĩnh vực kinh tế hay lĩnh vực thương mại có một bản chất pháp lý riêng của nó. Trong nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung, hợp đồng kinh tế có bản chất pháp lý hoàn toàn khác hợp đồng dân sự (theo nghĩa truyền thống) về mục đích, về chủ thể, về hình thức cũng như về nội dung của hợp đồng. Trong thời kì này, ở Việt Nam hầu như chỉ tồn tại hợp đồng kinh tế với tư cách là hình thức phản ánh quan hệ kinh tế trong nền kinh tế. Các văn bản đầu tiên về hợp đồng kinh tế là Nghị định số 004/TTg ngày 04/01/1960 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Điều lệ tạm thời về chế độ hợp đồng kinh tế giữa các xí nghiệp quốc doanh và cơ quan nhà nước, Nghị định số 54/CP ngày 10/3/1975 của Hội đồng Chính phủ ban hành Điều lệ về chế độ hợp đồng kinh tế và đặc biệt là Pháp lệnh Hợp đồng kinh té được ban hành năm 1989. Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế năm 1989 đã phản ánh đầy đủ bản chất của hợp đồng kinh tế, đồng thời quy định cụ thể về thủ tục ký kết, thực hiện thay đổi, đình chỉ, hủy bỏ, thanh lý hợp đồng kinh tế. Ngoài ra, trong Pháp lệnh này còn quy định một số nội dung khác về hợp đồng kinh tế như: hợp đồng kinh tế vô hiệu, trách nhiệm vật chất do vi phạm chế độ hợp đồng kinh tế…
Trong những năm từ 1986 đến 1990, cùng với việc đổi mới cơ chế quản lý kinh tế từ cơ chế kế hoạch hoá tập trung sang cơ chế hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa, ở Việt Nam bắt đầu xuất hiện các hợp đồng dân sự (đúng theo nghĩa truyền thống). Để điều chỉnh quan hệ hợp đồng dân sự, năm 1991, Nhà nước đã ban hành Pháp lệnh Hợp đồng dân sự và sau đó là Bộ luật dân sự năm 1995. Bộ luật này đã xác địhh khái niệm hợp đồng dân sự (xem Điều 394 Bộ luật dân sự năm 1995) với một nội hàm tương đối rộng, bao gồm cả những đặc điểm của khái niệm hợp đồng kinh tế theo Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế năm 1989. Tuy nhiên, trong Nghị quyết ngày 28/10/1995 của Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về việc thi hành Bộ luật dân sự năm 1995 vẫn thừa nhận hiệu lực của Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế năm 1989. Do đó, từ năm 1991 đến khi Bộ luật dân sự năm 2005 có hiệu lực, ở Việt Nam vẫn tồn tại 2 loại hợp đồng – hợp đồng kinh tế và hợp đồng dân sự – được điều chỉnh bằng những quy định pháp luật khác nhau về hợp đồng. Cụ thể là, hợp đồng dân sự được quy định trong Bộ luật dân sự còn hợp đồng kinh tế lại được quy định trong Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế. Chỉ đến khi Bộ luật dân sự năm 2005 và Luật Thương mại năm 2005 có hiệu lực, hợp đồng (bao gồm hợp đồng kinh tế và hợp đồng dân sự) mới được điều chỉnh bằng một hệ thống văn bản pháp luật thống nhất về hợp đồng dân sự. Trong Bộ luật dân sự năm 2005 (hiện nay đang áp dụng bộ luật dân sự năm 2015) cũng như Luật Thương mại năm 2005 và các văn bản pháp luật thương mại sau đó không còn ghi nhận khái niệm hợp đồng kinh tế.
Mặc dù, khái niệm hợp đồng kinh tế không còn được ghi nhận trong các văn bản pháp luật hiện hành và trên thực tế khái niệm này không còn được sử dụng để chỉ các quan hệ hợp đồng trong lĩnh vực thương mại (trước đây gọi là lĩnh vực kinh tế). Nhưng điều đó không có nghĩa là hợp đồng trong lĩnh vực thương mại không còn tồn tại. Bởi lẽ, khi còn các hoạt động trong lĩnh vực thương mại được coi như một loại hành vi dân sự đặc thù thì vẫn có những quy định riêng điều chỉnh các hợp đồng với tư cách là hình thức pháp lý của các hoạt động thương mại. (Các hợp đồng này được gọi chung là hợp đồng thương mại hay hợp đồng trong lĩnh vực thương mại).
Xét dưới góc độ biện chứng, hợp đồng dân sự là hình thức pháp lý của hành vi dân sự, hợp đồng bong thương mại là hình thức pháp lý của hoạt động thương mại. Xuất phát từ quan điểm: “Hành vi thương mại là một biểu hiện của hành vi pháp lý dân sự, …”, hành vi thương mại là hành vi dân sự đặc thù và với logic đó, hợp đồng trong lĩnh vực thương mại là loại hợp đồng dân sự đặc thù.
Là loại hợp đồng dân sự, hợp đồng trong lĩnh vực thương mại có những điểm giống hợp đồng dân sự về bản chất, tức là phản ánh bản chất là sự thỏa thuận, sự thống nhất ý chí của các bên nhằm làm phát sinh, thay đổi và chấm dứt các quyền và nghĩa vụ pháp lý, đều phản ánh các quan hệ tài sản mang tính chất hàng hoá tiền tệ, đều có chủ thể là pháp nhân, cá nhân… Bên cạnh đó, hợp đồng trong lĩnh vực thương mại cũng có những đặc điểm riêng của nó, mà trên cơ sở đó, về cơ bản có thể phân biệt hợp đồng trong lĩnh vực thương mại với hợp đồng dân sự nói chung. Cụ thể:
2.1 Chủ thể của hợp đồng thương mại
Chủ thể hợp đồng trong lĩnh vực thương mại chủ yếu được thiết lập giữa các chủ thể là thương nhân. Thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp và cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên, có đăng ký kinh doanh. Thương nhân là chủ thể của hợp đồng trong lĩnh vực thương mại có thể là thương nhân Việt Nam hoặc thương nhân nước ngoài (trong hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế). Ngoài chủ thể là thương nhân, các tổ chức, cá nhân không phải là thương nhân cũng có thể trở thành chủ thể của hợp đồng trong lĩnh vực thương mại trong những trường hợp pháp luật quy định cụ thể.
Ví dụ, hoạt động của bên chủ thể không phải là thương nhân và không nhằm mục đích lợi nhuận trong quan hệ hợp đồng mua bán hàng hoá phải tuân theo Luật Thương mại khi chủ thể này lựa chọn áp dụng Luật Thương mại hay ví dụ khác: Trong quan hệ ủy thác mua bán hàng hoá, bên ủy thác có thể là thương nhân hoặc không phải là thương nhân (Điều 157 Luật Thương mại năm 2005).
2.2 Hình thức của hợp đồng thương mại
Hình thức hợp đồng trong lĩnh vực thương mại có thể được thiết lập bằng hình thức lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể của các bên giao kết. Tuy nhiên, do tính chất phức tạp trong hoạt động thương mại và những yêu cầu chặt chẽ trong nội dung của hợp đồng mà pháp luật quy định nhiều hợp đồng thương mại cụ thể phải được ký kết dưới hình thức văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương văn bản.
Ví dụ, hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế, hợp đồng ủy thác mua bán hàng hoá, hợp đồng đại lý thương mại, hợp đồng vận chuyển hàng hoá bằng đường sắt, hợp đồng nhượng quyền thương mại …
2.3 Đối tượng của hợp đồng thương mại
Đối tượng hợp đồng: Tương tự như đối tượng của hợp đồng dân sự, hợp đồng trong lĩnh vực thương mại có đối tượng là hàng hoá hoặc dịch vụ (công việc). Bên cạnh đó, trong lĩnh vực thương mại có một số loại hợp đồng có đối tượng chưa được biết đến trong hợp đồng dân sự truyền thống, đó là các hợp đồng có tính chất tổ chức như hợp đồng thành lập công ty hay hợp đồng hợp tác kinh doanh (hợp đồng BCC), hợp đồng đầu tư theo hình thức đối tác công tư (hợp đồng PPP)… Đối tượng của các loại hợp đồng này không phải là hàng hoá hoặc dịch vụ mà là một hoạt động mang tính tổ chức để hình thành nên các doanh nghiệp hoặc để thực hiện hoạt động thương mại. Trên thực tế, đối tượng hợp đồng trong lĩnh vực thương mại thường có số lượng lớn và do đó, nhìn chung, giá trị của hợp đồng thương mại thường lớn hơn giá trị của hợp đồng dân sự. Điều này dẫn đến sự khác nhau trong nội dung của hợp đồng dân sự và nội dung của hợp đồng trong lìhh vực thương mại. Chẳng hạn, một người nào đó mua của thương nhân kinh doanh vật liệu xây dựng vài cân xi măng về sửa chữa nhỏ trong gia đình. Ở đây đối tượng hợp đồng rất nhỏ nên nội dung của hợp đồng này rất đơn giản, việc giao nhận và thanh toán được thực hiện theo kiểu “tiền trao, cháo múc”. Còn trường hợp một công ty xây lắp ký hợp đồng mua của một công ty xi măng 1000 tấn xi măng để xây dựng một công trình nào đó thì việc thỏa thuận cũng như thực hiện các điều khoản trong nội dung của hợp đồng phức tạp hơn nhiều từ việc xác định số lượng, chất của đối tượng cho đến giao nhận, thanh toán … Thậm chí, để thực hiện hợp đồng với đối tượng lớn như vậy, có thể làm phát sinh các hợp đồng mới như hợp đồng bốc xếp hàng hoá.
Kết luận:
Hợp đồng trong lĩnh vực thương mại là hợp đồng dân sự đặc thù. Hợp đồng dân sự và hợp đồng trong lĩnh vực thương mại có mối quan hệ biện chứng với nhau. Đây là mối quan hệ giữa cái chung và cái riêng, trong đó, hợp đồng dân sự là cái chung và hợp đồng thương mại là cái riêng. Với tư cách là cái chung và cái riêng, hợp đồng dân sự và hợp đồng trong lĩnh vực thương mại đều tồn tại khách quan và độc lập tương đối với nhau; những thuộc tính vốn có của hợp đồng dân sự được biểu hiện cụ thể trong hợp đồng trong lĩnh vực thương mại, đồng thời hợp đồng trong lĩnh vực thương mại cũng có những đặc thù riêng của nó.
===================================
Website: http://luatsuhinhsuhanoi.com.vn/