Từ một đảng viên dự bị, một bí thư chi đoàn, Bùi Minh Lý trở thành tội phạm, bị giam giữ suốt 28 tháng về tội cướp giật…trong một câu chuyện điển hình đau xót về oan sai.
Theo bản án của TAND Bình Thạnh: Khoảng 21h ngày 19.1.2014, vợ chồng chị Nguyễn Thị T đãi tiệc tất niên tại tổ dân phố ở phường 25, quận Bình Thạnh. Bàn tiệc đặt hai bên đường hẻm, chừa lối đi nhỏ ở giữa. Trong lúc chị T bưng thức ăn ra bàn thì bị một nam thanh niên chạy xe máy áp sát giật sợi dây chuyền rồi rồ ga chạy.
Chồng chị Tâm và một người bạn lấy xe máy đuổi theo và nhìn thấy Lý đang đi xe máy tà tà phía trước. Nghĩ Lý là cướp, họ đã ép xe, đánh đập và bắt Lý giao cho công an.
Tại sao đã cướp lại còn chạy xe tà tà?
Nhận định của bản án, rằng: “Do lần đầu đi cướp, không rành đường ở thành phố nên khi gặp các khúc cua, Lý không thể tăng ga được và bị bắt là điều hiển nhiên”.
Án văn còn quy kết: “Dù là Bí thư đoàn, có nhiều giấy khen nhưng không chí thú làm ăn lương thiện và dù có tiền hay làm chức vụ gì đi nữa, khi thấy tài sản của người khác cũng sẽ nảy sinh lòng tham mà cướp giật”.
Những lập luận hết sức ngô nghê mà mang tính quy chụp.
Lý, trong suốt 28 tháng bị giam – kiên quyết không nhận tội, liên tục viết đơn kêu oan. Đơn giản là anh không thể nhận một việc mà mình không làm.
Nhưng đây mới là điều mà chúng tôi muốn nói tới trong bài báo này:
Tháng 9.2015, Toà phúc thẩm đã tuyên huỷ án sơ thẩm với nhận định: “Tuyên bị cáo có tội chỉ căn cứ vào các chứng cứ gián tiếp, chưa khách quan. Lời khai của người bị hại và người làm chứng có rất nhiều mâu thuẫn nên chưa đủ cơ sở chứng minh… kết án mang tính quy chụp, vi phạm tố tụng nghiêm trọng…”.
Một năm sau, tháng 6.2016, VKSND Bình Thạnh mới thay đổi biện pháp ngăn chặn, cho Lý tại ngoại.
Lúc này, anh đã bị bắt tạm giam hơn 28 tháng.
Sau gần 3 năm điều tra lại, tới tháng 7.2018, Lý mới được đình chỉ điều tra bị can vì hành vi không cấu thành tội phạm.
Và lại mất thêm 3 năm nữa, đến ngày 5.3 vừa qua, cơ quan tố tụng Bình Thạnh mới có kế hoạch tổ chức xin lỗi công khai.
Lý, từng chí thú với công việc thợ hồ, buổi tối chở tôm thuê để mưu cầu một cuộc sống hạnh phúc. Lý, ở ấp là bí thư, là ấp đội trưởng, là một đảng viên dự bị…
Tác giả nhận định:
Từ vụ án có thể thấy, cơ quan tố tụng đã không thu thập những chứng cứ, vật chứng của vụ án như sợi dây chuyền trong khi trong vụ án này sợi dây chuyền là chứng cứ quan trọng nhất để chứng minh hành vi phạm tội, không tiến hành các biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật để xác định sự thật khách quan của vụ án. Việc chứng minh tội phạm chỉ căn cứ vào những chứng cứ gián tiếp là lời khai của bị hại, nhân chứng, trong khi những lời khai này lại mâu thuẫn với nhau nên không có giá trị chứng minh hành vi phạm tội của anh Lý. Điều này thể hiện cơ quan tố tụng chỉ quan tâm đến những chứng cứ buộc tội mà không đánh giá xem xét đến những chứng cứ gỡ tội, dẫn đến việc xác định sai đối tượng phạm tội.
=======================
Hà Nội, ngày 8/3/2021
Luật sư Phạm Kỳ Dương