Trong giao dịch dân sự, người thứ ba ngay tình được hiểu là người chiếm hữu không có căn cứ pháp lý đối với tài sản nhưng không biết và không thể biết việc chiếm hữu tài sản đó là không có căn cứ pháp luật. Theo quy định tại Điều 138 Bộ luật Dân sự thì quyền lợi của người thứ ba ngay tình được pháp luật bảo vệ trong hai trường hợp. Thứ nhất, khi giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản giao dịch là động sản không phải đăng ký quyền sở hữu đã được chuyển giao bằng một giao dịch khác cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp chủ sở hữu đòi lại tài sản theo quy định của pháp luật. Thứ hai, khi người thứ ba ngay tình nhận được bất động sản hoặc động sản phải đăng ký quyền sở hữu thông qua bán đấu giá hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó người này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy, sửa.
Tuy nhiên, quá trình thực thi cho thấy quy định hiện hành chưa bảo vệ một cách triệt để quyền lợi của người thứ ba khi mà việc giao dịch của họ là thiện chí, ngay tình và trong một số trường hợp chưa bảo đảm được tính ổn định của các giao dịch dân sự. Đặc biệt là đối với các giao dịch dân sự mà đối tượng giao dịch là tài sản đã được đăng ký quyền sở hữu và người thứ ba căn cứ vào tình trạng đã đăng ký của tài sản để thực hiện việc giao dịch. Do vậy, dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi đã quy định chặt chẽ hơn, chi tiết hơn và theo hướng bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người thứ ba ngay tình có thiện chí. Theo đó, ngoài việc giữ nguyên các quy định hiện hành, Dự thảo bổ sung thêm quy định trường hợp đối tượng của giao dịch dân sự là tài sản phải đăng ký quyền sở hữu mà tài sản đó đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch khác cho người thứ ba và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba biết, hoặc phải biết tài sản là đối tượng của giao dịch đã bị chiếm đoạt bất hợp pháp hoặc ngoài ý chí của chủ sở hữu. Tuy nhiên, người viết cho rằng, để các quy định về bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình được hoàn thiện hơn nhằm góp phần bảo đảm sự ổn định của các giao dịch trong quan hệ dân sự thì có một số vấn đề nên được cân nhắc thêm, cụ thể:
- Khoản 1 Điều này quy định “Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng đối tượng của giao dịch là tài sản không phải đăng ký quyền sở hữu đã được chuyển giao cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch được xác lập, thực hiện với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp quy định tại Điều 184 của Bộ luật này”. Theo đó, Điều 184 quy định “Chủ sở hữu, chủ thể có vật quyền khác có quyền đòi lại động sản không phải đăng ký quyền sở hữu từ người chiếm hữu ngay tình trong trường hợp người chiếm hữu ngay tình có được động sản này thông qua hợp đồng không có đền bù với người không có quyền định đoạt tài sản; trường hợp hợp đồng này là hợp đồng có đền bù thì chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản nếu động sản đó bị lấy cắp, bị mất hoặc trường hợp khác bị chiếm hữu ngoài ý chí của chủ sở hữu”. Theo quy định trên đây thì quyền lợi của người thứ ba sẽ không được bảo vệ khi chủ sở hữu đòi lại tài sản mà tài sản đó là động sản không phải đăng ký do người chiếm hữu ngay tình có được thông qua hợp đồng không có đền bù hoặc tài sản đó là động sản đã bị lấy cắp, bị mất hoặc bị chiếm hữu ngoài ý chí của chủ sở hữu. Mặc dù quy định này là hợp lý nhằm bảo vệ quyền của chủ sở hữu, tuy nhiên quy định này chưa được rõ ràng, cụ thể. Bởi vì, Dự thảo chưa quy định trách nhiệm của chủ sở hữu trong việc chứng minh tư cách chủ sở hữu của mình. Người viết cho rằng, nếu chủ sở hữu tài sản không chứng minh được tư cách chủ sở hữu của mình thì quyền đòi lại tài sản nên bị bác bỏ và quyền lợi của người thứ ba ngay tình nên được bảo vệ. Bởi về bản chất thì đối với động sản không đăng ký quyền sở hữu, pháp luật không bắt buộc người chiếm hữu phải biết việc chiếm hữu của người giao dịch là hợp pháp hay không. Hơn nữa, trên thực tế để chứng minh tình trạng hợp pháp đối với động sản không phải đăng ký quyền sở hữu là rất khó vì không có giấy tờ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận chủ sở hữu tài sản. Do vậy, người thứ ba ngay tình trong trường hợp này cũng không thể biết việc họ chiếm hữu động sản không đăng ký là không có căn cứ pháp luật và việc giao dịch của họ là thiện chí. Vì vậy, nếu chủ sở hữu tài sản không chứng minh được tư cách chủ sở hữu của mình thì quyền lợi của người thứ ba ngay tình nên được bảo vệ là phù hợp hơn.
Ngoài ra, Dự thảo luật cũng nên bổ sung thêm quy định nhằm hạn chế quyền đòi lại tài sản của chủ sở hữu nếu người thứ ba ngay tình chiếm hữu tài sản liên tục, công khai trong thời hạn mười năm thì chủ sở hữu tài sản không được quyền đòi lại tài sản để thống nhất với quy định về thời hiệu xác lập quyền sở hữu đối với động sản được quy định tại Điều 175 Dự thảo.
- Khoản 2 Điều 145 Dự thảo quy định trường hợp đối tượng của giao dịch dân sự là tài sản phải đăng ký quyền sở hữu mà tài sản đó đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch khác cho người thứ ba và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba biết, hoặc phải biết tài sản là đối tượng của giao dịch đã bị chiếm đoạt bất hợp pháp hoặc ngoài ý chí của chủ sở hữu. Theo quy định này thì trong trường hợp tài sản là đối tượng giao dịch đã được đăng ký quyền sở hữu tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng do bị chiếm đoạt một cách bất hợp pháp thì quyền lợi của người thứ ba sẽ không được bảo vệ vì theo quy định của pháp luật người thứ ba có nghĩa vụ phải biết là tài sản đó bị chiếm đoạt bất hợp pháp. Người viết cho rằng, quy định như trên là không phù hợp với thực tế, bởi vì thông thường để chứng minh một tài sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu có bị chiếm đoạt bất hợp pháp hay không, người tham gia giao dịch chỉ có thể thực hiện thông qua việc kiểm tra các giấy tờ đăng ký quyền sở hữu đối với tài sản đó. Như vậy, khi một tài sản đã được chủ sở hữu thực hiện đăng ký quyền sở hữu tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì có nghĩa rằng tài sản đó đã được cơ quan nhà nước xác nhận là tài sản có chủ sở hữu. Vì vậy, việc người thứ ba đã căn cứ vào việc xác nhận đó của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự thì hành vi giao dịch của họ là có căn cứ pháp luật. Mối quan hệ tài sản bất hợp pháp giữa người giao dịch với người thứ ba và chủ sở hữu tài sản thực sự đã được hợp thức hóa bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông qua việc thực hiện đăng ký quyền sở hữu tài sản. Do vậy, nếu Dự thảo quy định người thứ ba có trách nhiệm phải biết tài sản đã được đăng ký quyền sở hữu có phải là tài sản bị chiếm đoạt bất hợp pháp hay không là không phù hợp với thực tiễn và vô hình chung nhà nước đẩy trách nhiệm xác minh tính hợp pháp của tài sản cho người thứ ba. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo nên cân nhắc bỏ quy định “trừ trường hợp người thứ ba biết, hoặc phải biết tài sản là đối tượng của giao dịch đã bị chiếm đoạt bất hợp pháp hoặc ngoài ý chí của chủ sở hữu.” để Dự thảo hoàn thiện hơn và bảo đảm tính khả thi của Dự thảo.