1. Vi phạm trong việc giải quyết không hết hoặc giải quyết ngoài phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự.

Tại Điều 5 BLTTDS quy định về quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự, trong đó quy định “Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu”.

Nhưng khi giải quyết án Tòa án đã thực hiện không đúng quy định này. Ví dụ:

 – Vụ án tranh chấp QSD đất nông nghiệp giữa NĐ bà Mai Thị Yên với BĐ ông Đào Văn Sơn:Các đương sự không ai yêu cầu đề nghị Tòa án tuyên bố HĐ CNQSD đất giữa bà Yên và ông Tung là vô hiệu nhưng Tòa án sơ thẩm lại giải quyết tuyên bố HĐCNQSD đất giữa bà Yên và ông Tung năm 1994 là vô hiệu và buộc bà Yên phải bồi thường thiệt hại cho ông Sơn và bà Tuất là  96.251.700 đồng; buộc bà Yên phải có nghĩa vụ hoàn trả lại ông Sơn 17 chỉ vàng 9999 đã nhận của ông Tung là giải quyết ngoài phạm vi yêu cầu khởi kiện của đương sự.

  1. Tòa án thụ lý giải quyết vụ án khi đương sự chưa có đủ điều kiện khởi kiện.

Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 168 Bộ LTTDS năm 2011 nay là điểm b khoản 1 Điều 192 Bộ LTTDS năm 2015 thì Tòa án phải trả lại đơn khởi kiện khi đương sự chưa có đủ điều kiện khởi kiện theo quy định của pháp luật. Chưa có đủ điều kiện khởi kiện là trường hợp pháp luật có quy định về các điều kiện nhưng người khởi kiện đã khởi kiện đến Tòa án khi còn thiếu một trong các điều kiện đó.

Trong thời điểm có những vụ án tranh chấp QSD đất bị hủy do Tòa án thụ lý giải quyết khi tranh chấp giữa các đương sự chưa thực hiện thủ tục hòa giải ở cơ sở theo đúng quy định tại Điều 202 Luật đất đai năm 2013; Điều 88 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai; Tòa án đã thụ lý giải quyết vụ án là vi phạm quy định tại điểm d khoản 1 Điều 168 Bộ LTTDS năm 2011; nay là điểm b khoản 1 Điều 192 Bộ LTTDS năm 2015. Cụ thể  như vụ án sau:

– Vụ án tranh chấp QSD đất nông nghiệp giữa NĐ bà Mai Thị Yên với BĐ ông Đào Văn Sơn: Biên bản hòa giải do UBND thị trấn N lập không có sự tham gia đầy đủ của các thành viên Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai (không có mặt Trưởng thôn), của các bên tranh chấp (bà Yên, bà Chinh, anh Phúc, bà Vĩnh…). Việc bà Yên khởi kiện khi thủ tục hòa giải ở cơ sở không được thực hiện đúng quy định của pháp luật, là thuộc trường hợp chưa đủ điều kiện khởi kiện.

  1. Vi phạm trong việc xác định sai tư cách người tham gia tố tụng; không đưa đầy đủ những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vào tham gia tố tụng.

Tại Chương VI Bộ LTTDS quy định về người tham gia tố tụng, trong đó quy định rõ về NĐ, BĐ, người có QLNVLQ; quyền và nghĩa vụ của đương sự. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều trường hợp có sai sót trong việc xác định tư cách đương sự và không đưa đầy đủ những người có QLNVLQ vào tham gia tố tụng. Những sai sót này hay xảy ra và đã được rút kinh nghiệm nhiều lần nhưng hiệu quả vẫn còn hạn chế.

Trong thời điểm có vụ án Tòa án đã xác định sai tư cách tham gia tố tụng của đương sự dẫn đến bị hủy án. Cụ thể như vụ án sau:

– Vụ án tranh chấp chia tài sản thừa kế giữa NĐ bà Nguyễn Thị Thú với BĐ bà Văn Thị Lý: Ngày 20/5/2014 bà Thú khởi kiện đề nghị Tòa án chia thừa kế của ông Độ để lại cho 2 con của bà là cháu Anh sinh năm 2010 và cháu Lộc sinh năm 2012. Tính đến thời điểm bà Thú khởi kiện 2 cháu đều chưa đủ 6 tuổi. Căn cứ Điều 161; khoản 4 Điều 57, Điều 73  Bộ LTTDS năm 2011; khoản 3 Điều 2 Nghị quyết HĐTP số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 3/12/2012 của Tòa án nhân dân Tối cao thì quyền khởi kiện vụ án là của 2 cháu Anh và cháu Lộc. Như vậy đương sự trong vụ án, tức NĐ phải là 2 cháu Anh và Lộc. Do các cháu chưa đủ 6 tuổi nên bà Thú là người đại diện theo pháp luật của NĐ. Tòa án xác định bà Thú là NĐ, người có QLNVLQ là cháu Anh và cháu Lộc là không đúng theo như những qui định trên.

Tại khoản 4 Điều 56 Bộ LTTDS năm 2011 nay là khoản 4 Điều 68 Bộ LTTDS năm 2015  quy định “Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự là người tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Trường hợp việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của một người nào đó mà không có ai đề nghị đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Tòa án phải đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.”

Tòa án giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người nào đó, nhưng lại không đưa họ tham gia tố tụng hoặc đưa không đầy đủ những người có QLNVLQ tham gia tố tụng. Thiếu sót này thường gặp ở các vụ án mà Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết vụ án tranh chấp về thừa kế tài sản; tranh chấp quyền sử dụng đất mà đất đó đã được cơ quan Nhà nước cấp có thẩm quyền cấp cho hộ gia đình v.v.  Cụ thể như vụ án sau:

– Vụ án tranh chấp chia tài sản thừa kế giữa NĐ bà Nguyễn Thị Thú với BĐ bà Văn Thị Lý: Bà Lý có đề nghị Tòa án xem xét việc lập hồ sơ nhận con đẻ của ông Độ, nhưng Tòa án đã không đưa UBND xã M vào tham gia tố tụng để xem xét tính hợp pháp của việc cấp 2 giấy khai sinh cấp cho cháu Anh và cháu Lộc. Bà Thú yêu cầu chia thừa kế 2 thửa đất đã được cấp giấy CNQSD đất. Nhưng Tòa án khôngđưa UBND huyện vào tham gia tố tụng với tư cách là người có QLNVLQ để giải quyết vụ án một cách triệt để.

  1. Vi phạm trong việc xác minh, thu thập chứng cứ; đánh  giá chứng cứ.

Tại khoản 2 Điều 85 Bộ LTTDS năm 2011 nay là khoản 2 Điều 97 Bộ LTTDS năm 2015 quy định: Trong các trường hợp do Bộ luật này quy định, Tòa án có thể tiến hành một hoặc một số biện pháp sau đây để thu thập tài liệu, chứng cứ: Lấy lời khai của đương sự, người làm chứng; Đối chất giữa các đương sự với nhau; Trưng cầu giám định; Định giá tài sản;  Xem xét, thẩm định tại chỗ…

Việc thu thập tài liệu, chứng cứ phải được thự hiện theo đúng trình tự thủ tục do BLTTDS quy định nếu không thì tài liệu thu thập đó không có giá trị pháp lý.

Vi phạm trong việc xem xét, thẩm định tại chỗ; định giá tài sản như:

– Vụ án tranh chấp QSD đất giữa NĐ bà Phạm Thị Kim Đan và BĐ ông Nguyễn Ngọc Miên: Tòa án cấp sơ thẩm không xem xét, thẩm định tại chỗ để làm rõ diện tích đất ao đang tranh chấp 1.055 m2 đã được san lấp chưa; các tài sản trên đất gồm có những gì, tình trạng tài sản; không lập sơ đồ thể hiện phần đất ông Hoa đang sử dụng diện tích là bao nhiêu m2, trên đất có những tài sản gì; móng nhà không thể hiện diện tích là bao nhiêu. Do vậy, không xác định được đất tranh chấp hiện trạng là đất ao hay đất đã được san lấp; không thể hiện công sức tôn tạo, số lượng đất lấp ao là bao nhiêu, vi phạm quy định tại Điều 89 Bộ LTTDS năm 2011 (Điều 101 Bộ LTTDS năm 2015).

– Vụ án tranh chấp chia di sản thừa kế giữa NĐ anh Nguyên Đăng Nam với BĐ ông Nguyễn Đăng Thành có các vi phạm khi thực hiện thủ tục định giá tài sản: Sau khi đã định giá tài sản, Chủ tịch hội đồng định giá đã ra văn bản thông báo đính chính bổ sung biên bản định giá tài sản để đính chính bổ sung định giá lại một số tài sản, văn bản chỉ có chữ ký của Chủ tịch hội đồng định giá là không đúng quy định về thẩm định giá. Tòa án đã căn cứ các biên bản định giá; văn bản thông báo đính chính nêu trên để làm chứng cứ giải quyết vụ án là không đúng quy định tại Điều 92 Bộ LTTDS năm 2011, nay là Điều 104 Bộ LTTDS năm 2015; ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

Vi phạm trong việc chưa thu thập đầy đủ tài liệu chứng cứ:

Việc thu thập chứng cứ có ý nghĩa rất quan trọng và là cơ sở để Toà án giải quyết vụ án. Chỉ khi thu thập đầy đủ chứng cứ thì Toà án mới có đủ căn cứ để giải quyết vụ án. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều trường hợp Toà án giải quyết vụ án khi chưa thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ, dẫn đến giải quyết vụ án sai pháp luật.Đây là lỗi Tòa án cấp dưới hay mắc nhiều nhất khi giải quyết án:

-Vụ án tranh chấp hợp đồng vay tài sản và yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu giữa NĐ ông Hoàng Hữu Hương với BĐ bà Nguyễn Thị Làn: Vợ chồng ông Hương cho rằng doanh nghiệp Hoàng Lan nợ vợ chồng ông 6 tỷ đồng tiền gốc và tiền lãi; vợ chồng bà Làn khai chỉ nợ vợ chồng ông Hương 1,397 tỷ đồng vay ngày 18/12/2012, lãi 2.000đ/ngày/triệu; Tòa án cấp sơ thẩm không xem xét đánh giá chứng cứ này, không làm rõ mâu thuẫn trong lời khai của ông Hương về việc bà Làn không trả khoản vay 3,5 tỷ đồng nhưng ông Hương lại cho vay khoản 2,5 tỷ đồng; không thu thập tài liệu chứng cứ báo cáo tài chính, sổ sách thu chi của Doanh nghiệp Hoàng Lan để xác định có hay không khoản vay 3,5 tỷ và 2,5 tỷ đồng; nên việc Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết vụ án là chưa đủ cơ sở.

– Vụ án tranh chấp chia tài sản chung và thừa kế giữa NĐ ông Loan Văn Toàn với BĐ bà Tạ Thị Trấn: Tòa án cấp sơ thẩm chưa thu thập đầy đủ tài liệu chứng cứ liên quan đến việc lập di chúc của ông Phoóng; tại thời diểm cấp giấy CNQSD đất hộ ông Phoóng có bao nhiêu khẩu; các đương sự yêu cầu phân chia đất là tài sản chung nhưng Tòa án chưa thu thập chứng cứ để xác định hộ ông Phoóng có những ai để làm căn cứ giải quyết; Tòa án cấp sơ thẩm phân chia tài sản không công bằng.

Vi phạm trong việc nhận định và đánh giá chứng cứ không đúng:

– Vụ án tranh chấp QSD đất giữa NĐ bà Nguyễn Thị Thức với BĐ anh Nguyễn Văn Dự (án giám đốc xử hủy): Ông Cường, bà Thức và các anh chị em trong gia đình đã cho vợ chồng anh Dự đất; vợ chồng anh Dự sử dụng đất từ năm 1993 liên tục, công khai, ổn định, đã xây dựng nàh kiên cố, có khuôn viên riêng, khi xây dựng nhà bà Thức và các anh chị em trong gia đình đều biết và không phản đối gì; đã kê khai và được cấp giấy CNQSD đất nên phải xác định vợ chồng anh Dự có quyền sử dụng đất; việc Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Thức, buộc vợ chồng anh Dự trả cho bà Thức 110,6m2 đất là không đúng.

– Vụ án tranh chấp HĐCNQSD đất giữa NĐ anh Nguyễn Xuân Lưu với BĐ anh Nguyễn Xuân Phong (án giám đốc xử hủy): Tòa án cấp phúc thẩm xác định mức độ lỗi làm cho HĐCNQSD đất vô hiệu của vợ chồng anh Phong, chị Thắng là 2/3; của anh Lưu là 1/3 là không đúng (phải là ngang nhau như Tòa án cấp sơ thẩm đã xác định);

Ngoài ra còn có những dạng vi phạm khác như: Đình chỉ giải quyết vụ án không đúng; không đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu đương sự đã rút; Tòa án xác định hợp đồng vô hiệu nhưng không xác định lỗi làm cho hợp đồng vô hiệu, xác định thiệt hại do hợp đồng vô hiệu và giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu…

Trên đây là tổng hợp những căn cứ, lý do Tòa án án cấp trên xử hủy án dân sự của Tòa án hai cấp tỉnh B, chúng tôi nêu ra để các đơn vị trong ngành cùng nghiên cứu, nhận diện các dạng vi phạm của Tòa án trong việc giải quyết án; tích lũy kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng kiểm sát, phát hiện vi phạm, bảo đảm thực hiện có hiệu quả các quyền yêu cầu, kiến nghị và kháng nghị trong tố tụng dân sự./.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *