So với BLHS năm 1999, BLHS năm 2015, bổ sung khoản 2 quy định “Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng, nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm, nhưng có vai trò không đáng kể” để bảo đảm việc quyết định áp dụng hình phạt được đúng đắn, chính xác đối người phạm tội, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn xét xử vụ án hình sự.

Đây là quy định mới so với BLHS năm 1999, có ý nghĩa tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn xét xử của Tòa án đối với trường hợp lần đầu phạm tội, là người giúp sức, có vai trò không đáng kể trong vụ án đồng phạm. Bởi, theo quy định tại Điều 47 BLHS năm 1999, thì dù có xem xét, khoan hồng tối đa, Tòa án cũng chỉ được phép áp dụng hình phạt trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật, dẫn đến việc áp dụng hình phạt trong trường hợp này là quá nghiêm khắc.

Để áp dụng khoản 2 Điều 54 BLHS, theo quan điểm người viết cần thỏa mãn ba điều kiện:

Thứ nhất, chỉ xét đến việc áp dụng khoản 2 Điều 54 BLHS trong vụ án có đồng phạm.

Thứ hai, chỉ áp dụng khoản 2 Điều 54 BLHS trong trường hợp điều luật có từ hai khung hình phạt trở lên và khung hình phạt áp dụng không phải là khung hình phạt nhẹ nhất của điều luật.

Cụ thể như khung hình phạt được áp dụng là khoản 3 Điều 173 BLHS, nếu đủ điều kiện áp dụng khoản 2 Điều 54 BLHS, Tòa án có thể áp dụng hình phạt quy định tại khoản 1, khoản 2.

Trường hợp điều luật chỉ có một khung hình phạt hoặc khung hình phạt được áp dụng là khung hình phạt nhẹ nhất của điều luật thì không áp dụng khoản 2 Điều 54 BLHS mà cần áp dụng khoản 3 Điều 54 BLHS mới đảm bảo sự chính xác.

Thứ ba, điều kiện áp dụng khoản 2 Điều 54 BLHS là người phạm tội phải phạm tội lần đầu và là người giúp sức trong vụ án đồng phạm, nhưng có vai trò không đáng kể. Đối với vấn đề này hiện này còn nhiều quan điểm khác nhau giống như tác giả Dương Hồng Điệp đã nêu. Quan điểm của người viết thống nhất với quan điểm thứ nhất vì các lẽ sau:

– Một là, khoản 2 Điều 54 BLHS năm 2015 là một quy định mới để phù hợp với quy định tại Điều 58 BLHS năm 2015 theo đó “Khi quyết định hình phạt đối với những người đồng phạm, Tòa án phải xét đến tính chất của đồng phạm, tính chất và mức độ tham gia phạm tội của từng người đồng phạm”. Đặc biệt là phù hợp với nguyên tắc xử lý đối với người phạm tội tại Điều 3 BLHS, nhằm cá thể hóa trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội lần đầu, là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể so với những người phạm tội là người xúi dục, chủ mưu, người thực hành tích cực …

– Hai là, về mặt kỹ thuật xây dựng điều luật, nội dung tại khoản 2 Điều 54 BLHS năm 2015 không có câu chữ thể hiện khi áp dụng phải đáp ứng các điều kiện tại Khoản 1 Điều 54 BLHS năm 2015. Mặt khác, như đã nói ở trên từ thực tiễn áp dụng BLHS năm 1999 thì khi Tòa án xét xử đối với trường hợp lần đầu phạm tội, là người giúp sức, có vai trò không đáng kể trong vụ án đồng phạm, thì dù có xem xét, khoan hồng tối đa, Tòa án cũng chỉ được phép áp dụng hình phạt trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật, dẫn đến việc áp dụng hình phạt trong trường hợp này là quá nghiêm khắc.

Ba là, quy định tại khoản 1 Điều 54 BLHS yêu cầu có hai tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự tại khoản 1, Điều 51 BLHS, là những tình tiết đã được liệt kê cụ thể để tránh tình trạng lạm dụng khoản 1 Điều 51 BLHS khi xét xử.

Tuy nhiên quy định tại khoản 2 Điều 54 BLHS hướng đến việc xem xét về nhân thân người phạm tội (cụ thể là phải là người phạm tội lần đầu) và xem xét đến vai trò, mức độ tham gia phạm tội (Người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể .

Từ những phân tích trên đây người viết đồng tình và ủng hộ quan điểm thứ nhất. Tuy nhiên, khi xem xét áp dụng Khoản 2 Điều 54 BLHS năm 2015 cần lưu ý:

– Cần nắm rõ phạm tội lần đầu (tham khảo và vận dụng giải thích tại mục số 4, Công văn số 01/2017/GĐ-TANDTC của Tòa án nhân dân tối cao ngày 07/4/2017).

– Người phạm tội phải là người giúp sức (vận dụng khái niệm người giúp sức tại Điều 17 BLHS) và người giúp sức này phải có vai trò không đáng kể. Hiểu như thế nào là người giúp sức có vai trò không đáng kể còn có nhiều quan điểm khác nhau. Tuy nhiên có thể nghiên cứu, vận dụng tài liệu giải đáp về những khó khăn, vướng mắc năm 2020 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Theo đó “có vai trò không đáng kể” là người có hành vi rất đơn giản, tính chất nguy hiểm cho xã hội thấp, mức độ tham gia hạn chế nhất so với các đồng phạm, thông thường không trực tiếp gây ra hậu quả thiệt hại vật chất của tội phạm.

Do việc áp dụng khoản 2 Điều 54 BLHS năm 2015 còn có nhiều vướng mắc về điều kiện áp dụng, việc hiểu như thế nào là “người giúp sức trong vụ án đồng phạm, nhưng có vai trò không đáng kể” nên đề nghị Liên ngành Trung ương sớm có văn bản hướng dẫn thực hiện để việc áp dụng khoản 2 Điều 54 BLHS năm 2015 có sự thống nhất, bảo đảm công bằng và bảo đảm cá thể hóa trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *