Quy định và thực tiễn
Di sản thừa kế là tài sản của người chết để lại cho những người còn sống. Theo quy định tại Điều 612 Bộ luật Dân sự: “Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác.”
Di sản thừa kế có thể là vật, tiền, giấy tờ có giá, quyền tài sản thuộc sở hữu của người để lại di sản. Tuy nhiên, trong thực tế nhiều vụ án, xác định đâu là di sản thừa kế cũng khá khó khăn. Đơn cử vụ án sau đây:
Nguyên đơn bà Đỗ Thị T, Đỗ Thị N khởi kiện yêu cầu ông Đỗ Văn H phải chia thừa kế là quyền sử dụng đất do mẹ (cụ Phạn Thị M sinh năm 1925, chết năm 2014) để lại, tổng diện tích đất yêu cầu chia thừa kế là 27.305m2.
Khi còn sống cụ M có tất cả 9 người con, ngoài các đương sự nêu trên thì những người con còn lại được Tòa án đưa vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Họ đều không tranh chấp, không yêu cầu Tòa án chia phần thừa kế cho họ, thống nhất giao di sản cho Đỗ Văn H quản lý để thờ cúng.
Đối với phần đất mà các nguyên đơn yêu cầu chia thừa kế đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ cụ Phạm Thị M vào năm 2006 (Hộ thời điểm được cấp giấy gồm cụ M và ông Đỗ Văn H). Thời điểm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì cụ Đỗ Văn R (cha của các đương sự đã chết năm 1982). Cả cụ R và cụ M đều không để lại di chúc.
Qua nội dung vụ án, có ba quan điểm về vấn đề xác định di sản và giải quyết như sau:
Quan điểm thứ nhất: Xác định di sản là tài sản chung của cụ R và cụ M. Cụ R chết năm 1982, cụ M chết năm 2014. Căn cứ vào Điều 623 BLDS và các văn bản hướng dẫn có liên quan, xét về thời hiệu chia thừa kế thì đối với phần của cụ R đã hết thời hiệu, chỉ chia thừa kế đối với phần của cụ M. Hiện nay, anh Đỗ Văn H là người thờ cúng hai cụ nên đối với phần của cụ R đã hết thời hiệu chia thừa kế sẽ giao lại cho anh H vì anh H có công gìn giữ di sản. Đối với phần của cụ M trong khối di sản thì chia đều 9 phần bằng nhau.
Quan điểm thứ hai: Cụ R chết năm 1982, đến năm 2006 thì cụ M mới được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên xác định di sản là của cụ M. Vì vậy, toàn bộ di sản sẽ được chia thành 10 phần. Ông Đỗ Văn H có công gìn giữ di sản sẽ được hưởng 2 phần. Những phần còn lại sẽ chia đều cho nguyên đơn và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.
Quan điểm thứ ba: Xác định di sản là của cụ M nhưng chỉ chia giá trị quyền sử dụng đất. Ông Đỗ Văn H được tiếp tục quản lý phần đất có diện tích 27.305m2, ông H có nghĩa vụ hoàn trả giá trị quyền sử dụng đất tương đương với phần mà các nguyên đơn được nhận theo giá của Hội đồng định giá. Đối với những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án này không tranh chấp, không yêu cầu chia thừa kế nên sẽ không đề cập giải quyết mà chỉ chia phần di sản được hưởng đối với hai nguyên đơn.
Trong ba quan điểm nêu trên, người viết cho rằng quan điểm thứ nhất chưa hợp lý. Bởi vì, việc xác định tài sản mà cụ M được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2006 là tài sản chung của cụ R và cụ M có được trong thời kỳ hôn nhân là rất khó và không có cơ sở. Việc xác định di sản thừa kế mà người chết để lại căn cứ vào giấy tờ, tài liệu chứng minh quyền sở hữu hoặc sử dụng hợp pháp đối với khối tài sản đó. Đối với trường hợp di sản thừa kế là tài sản thuộc sở hữu chung thì việc xác định tài sản chung của người để lại di sản có thể dựa trên những thỏa thuận đã có từ trước hoặc căn cứ vào văn bản do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Hơn nữa, với trường hợp nêu trên, khi khởi kiện nguyên đơn và bị đơn đều cho rằng đây là tài sản của cụ M để lại sau khi chết, bên cạnh đó việc nhận định cho rằng thời hiệu khởi kiện chia thừa kế đối với phần của cụ R đã hết nhưng lại giao phần di sản của cụ R trong khối tài sản chung cho người hiện đang quản lý, gìn giữ di sản rất mang tính chủ quan. Nên người viết cho rằng việc xác định di sản theo quan điểm này là không phù hợp.
Đối với quan điểm thứ hai, người viết cho rằng quan điểm này khá phổ biến, đang được áp dụng nhiều trên thực tiễn. Về vấn đề xác định di sản, người viết đồng ý với quan điểm này. Cụ R đã chết năm 1982, đến năm 2006 thì cụ M mới được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các đương sự đều xác định đây là di sản của cụ M nên việc xác định di sản là của cụ M sẽ thuyết phục hơn và có căn cứ hơn là theo quan điểm thứ nhất.
Tuy nhiên về việc chia thừa kế thì người viết đồng ý với quan điểm thứ ba hơn. Đó là chia giá trị quyền sử dụng đất và chỉ xác định chia theo yêu cầu của các nguyên đơn chứ không chia hết toàn bộ di sản cho tất cả các người con. Bởi vì trên thực tế những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan họ không tranh chấp, không yêu cầu chia thừa kế.
Bất cập trong cách tuyên án
Có quan điểm cho rằng, trong những vụ án tranh chấp về chia thừa kế là sự tranh chấp giữa các đương sự trong vụ án mà cụ thể là nguyên đơn và bị đơn. Như trường hợp nêu trên, anh chị em của các đương sự có tất cả 9 người nhưng chỉ có 2 người tranh chấp, những người còn lại đều không có tranh chấp nên khi Tòa án tuyên án có cần thiết phải tuyên cụ thể thành từng phần hay chỉ tuyên đối với những người có tranh chấp? Thực tế có nhiều Thẩm phán cho rằng họ chỉ tuyên theo yêu cầu của nguyên đơn chứ không nhận định những phần còn lại do những đồng thừa kế khác không yêu cầu, nếu có yêu cầu thì sẽ giải quyết thành một vụ án khác. Có quan điểm cho rằng sẽ tuyên hết cho những người còn lại thì mới giải quyết được toàn diện vụ án.