Vụ việc Nhà thơ Dạ Thảo Phương tố bị Phó Tổng biên tập một Tờ báo, cưỡng hiếp cách đây 23 năm, đang thu hút sự chú ý của dư luận.

 

“Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là gì”. Khi một hành vi phạm tội xảy ra và bị phát hiện, người thực hiện hành vi phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự – Trên cơ sở đó, Luật hình sự giành cho các Cơ quan về điều tra, truy tố, xét xử một khoảng thời gian nhất định, để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Người phạm tội đó, thời hạn này có thể là 5 năm, 10 năm, 15 năm, 20 năm tùy theo từng loại tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Và khi thời hạn này qua đi, mà Người thực hiện hành vi phạm tội không bị phát hiện hoặc không bị xử lý, thì sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nữa, hiểu nôm na là xem như vô can về mặt pháp luật – Trừ khi, Người thực hiện hành vi phạm tội đã bị truy nã và cố tình trốn tránh, thì không được áp dụng thời hiệu trong thời gian trốn tránh. Ngoài ra, có một số loại tội phạm thì không áp dụng thời hiệu, ví dụ: Tội xâm phạm an ninh quốc gia, phá hoại hòa bình, chống loài Người, tội phạm chiến tranh.

 

Theo thông tin Nhà thơ Dạ Thảo Phương đăng tải, thì sự việc xảy ra trước ngày 01/07/2000 – Tức là trước ngày Bộ luật hình sự năm 1999 có hiệu lực thi hành. Về nguyên tắc – Cả Bộ luật hình sự năm 1985, Bộ luật hình sự năm 1999, Bộ luật hình sự năm 2015, khi quy định hiệu lực về thời gian của Bộ luật hình sự, đều xác định rõ: Điều luật được áp dụng đối với một hành vi phạm tội là Điều luật đang có hiệu lực thi hành tại thời điểm mà hành vi phạm tội xảy ra, chứ không phải là Điều luật có hiệu lực tại thời điểm điều tra, truy tố, xét xử. Nghĩa rằng, hành vi phạm tội xảy ra vào lúc nào, thì phải áp dụng quy định của pháp luật đang có hiệu lực tại thời điểm đó để điều chỉnh, xử lý.

 

Trên cơ sở đó – Giả định rằng, việc tố cáo của Nhà thơ Dạ Phương Thảo là có căn cứ, và do hành vi phạm tội xảy ra trước ngày 01/07/2000 tức trước thời điểm Bộ luật hình sự năm 1999 có hiệu lực thi hành, nên Bộ luật hình sự năm 1985 (Sửa đổi năm 1997) là Bộ luật đang có hiệu lực tại thời điểm xảy ra tội phạm, sẽ được xem xét áp dụng. Điều 45.2 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định: Đối với các loại tội phạm nghiêm trọng (Mức cao nhất của khung hình phạt là trên 05 năm tù) nếu có lý do đặc biệt thì Viện kiểm sát nhân dân tối cao vẫn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự và Toà án nhân dân tối cao có thể quyết định không áp dụng thời hiệu – Như vậy, nếu vận dụng quy định này, hay nói cách khác nếu áp dụng Bộ luật hình sự năm 1985, Bộ luật có hiệu lực vào thời điểm xảy ra hành vi phạm tội, thì Người thực hiện hành vi phạm tội với Dạ Thảo Phương vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trong trường hợp Viện Tối Cao và Tòa Tối Cao muốn áp dụng để điều chỉnh. Hay nói cách khác, vì sự việc xảy ra vào thời điểm áp dụng Bộ luật hình sự năm 1985, nên vẫn còn cơ hội vận dụng quy định của pháp luật, để có thể truy cứu trách nhiệm hình sự kẻ phạm tội. Giả định rằng, sự việc xảy ra vào tháng 7/2000, thì sẽ không còn cơ hội để vận dụng, bởi Điều 23 Bộ luật hình sự năm 1999, quy định thời hạn tối đa để truy cứu trách nhiệm hình sự là 20 năm.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *