Nguồn gốc của thuật ngữ “suy đoán” bắt nguồn từ tiếng Latin “praesumptino” hay trong tiếng Anh “presump” được hiểu là coi vấn đề, hiện tượng nào đó là đúng đắn cho đến khi chưa có lý do bác bỏ vấn đề, hiện tượng đó. Từ điển Longman nêu rõ trong lĩnh vực pháp luật, “presump” được hiểu là “chấp nhận một điều gì đó là đúng cho đến khi nó được chứng minh là không đúng”.

Tuy nhiên, suy đoán vô tội chỉ được chính thức được xem như một nguyên tắc mang tính công cụ pháp luật bởi luật gia người Pháp Jean Lemonie nhằm ủng hộ cho một cách suy luận mang tính pháp lý rằng hầu hết mọi người không phải là tội phạm. Suy đoán vô tội được ví như là nguyên tắc “vàng” trong tố tụng hình sự (TTHS), một thành tựu vĩ đại của văn minh nhân loại trong việc bảo vệ quyền con người và chứng minh trong TTHS đã được thể hiện trong và được quy định trong các văn kiện quốc tế về nhân quyền như Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền 1789 của Cộng hòa Pháp, Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền năm 1948 Công ước quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị năm 1966. Tư tưởng về suy đoán vô tội chỉ trở thành nguyên tắc pháp luật khi Cách mạng tư sản Pháp thắng lợi cùng với đó là đòi hỏi ngày càng gay gắt của xã hội cần phải có biện pháp hạn chế, chống lại sự chuyên quyền, độc đoán xâm phạm thô bạo quyền con người từ phía nhà nước, ngày càng có tính quốc tế khi được thừa nhận trong nhiều điều ước quốc tế mà nhiều quốc gia ký kết hoặc gia nhập. Trước yêu cầu bảo vệ quyền con người và xu thế hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ, suy đoán vô tội (hay giả định vô tội), một trong những nguyên tắc cơ bản trong luật TTHS đã được ghi nhận và áp dụng rộng rãi trong nền tư pháp của nhiều quốc gia văn minh, trong đó có Việt Nam.

Điều 14.2 Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị – Được Đại hội đồng liên hiệp quốc thông qua vào năm 1966 (Có hiệu lực từ năm 1976) quy định rằng: “Người bị cáo buộc là phạm tội hình sự có quyền được coi là vô tội cho tới khi hành vi phạm tội của người đó được chứng minh theo pháp luật”. Trên cơ sở quy định của Điều ước quốc tế này, pháp luật hình sự của hầu hết các quốc gia đã đưa vào trong các Đạo luật hình sự. Đây được coi là thành tựu lớn lao của văn minh Nhân loại, là nguyên tắc chủ đạo, cốt lõi của pháp luật hình sự.

Cho nên, một Người mới chỉ thuộc diện nghi vấn, bị tình nghi, bị cáo buộc có liên quan, thậm chí đã bị khởi tố, bị điều tra, bị truy tố, bị bắt tạm giam, thì vẫn chưa bị xem là đã có tội, chưa bị xem là tội phạm. Chính vì vậy, các cơ quan báo chí cần hết sức thận trọng khi đưa thông tin về những người mới đang bị tố giác, đang bị tình nghi, đồng ý rằng việc thông tin là chức năng và quyền hạn của báo chí và truyền thông nhưng việc đưa tin cần đảm bảo đúng quy định của pháp luật…

===========================

Hà Nội, ngày 04 tháng 07 năm 2022

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *